Người tạo nên hình tượng búp bê Barbie

Posted: 09/02/2011 in Búp bê, Tìm hiểu về búp bê
Thẻ:, ,

Năm 1945, hai vợ chồng Elliot và Ruth Handler lập công ty Mattel Creations ở California để sản xuất đồ chơi trẻ em. Khi đó, họ còn chưa thể ngờ được rằng chỉ sau 20 năm công ty này đã vươn lên trở thành hãng dẫn đầu trên thị trường đồ chơi trẻ em. Và vinh quang đó chỉ nhờ duy nhất một loại búp bê có tên Barbie.

Sự ra đời của Barbie 
Dự án này do Ruth nghĩ ra vào những năm 1950. Khi đó, trẻ em vẫn thường chơi fashion-dolls, thứ búp bê cắt bằng bìa cứng rồi và mặc cho chúng những bộ quần áo cũng cắt từ giấy. Nhìn con gái Barbara mặc cho búp bê những bộ quần áo công chúa, cô dâu…, Ruth nảy ra ý định sản xuất loại búp bê mới chưa từng có trên thị trường, có hình khối như thật, nhưng không phải là “em bé gái” mà là “cô gái trẻ”, mà theo lời Ruth nói thì “có thể giúp bé gái làm quen với tương lai, giúp bé trưởng thành ở độ tuổi còn chơi búp bê”.

Ý tưởng của bà đã không nhận được sự quan tâm của các đồng nghiệp nam, và thế là lãnh đạo Mattel quyết định tạm gác lại việc này.

Nhưng vài năm sau, trong một chuyến du lịch sang Châu Âu, Ruth Handler tình cờ mua được con búp bê Lylly do Đức sản xuất, thể hiện đúng ý đồ của bà lúc trước. Nhưng Lylly lại mang một hình ảnh mạnh mẽ, có phần dữ dằn, không phù hợp với thị hiếu và tâm lý của các trẻ em Mỹ. Ít lâu sau, Ruth đã nghĩ ra cách biến Lylly thành búp bê có dáng dấp một cô gái trẻ mang những nét Mỹ đặc trưng: trong sáng, cởi mở và lạc quan, đồng thời búp bê này cũng phải có thân hình hấp dẫn theo tiêu chuẩn lúc bấy giờ.

Lần này thì ban lãnh đạo đã bị ý tưởng của Ruth thuyết phục, và vào năm 1958, búp bê Barbie- đặt theo tên con gái Barbara của gia đình Handler- bắt đầu được đưa vào sản xuất. Và kể từ đó, loại búp bê này luôn là có chân thon dài và vóc dáng của người mẫu.

Barbie được giới thiệu lần đầu tiên ngày 16-2-1959 tại hội chợ đồ chơi trẻ em được tổ chức hàng năm ở New York . Thoạt tiên, công ty kinh doanh đồ chơi tỏ ra dè chừng với món đồ mới này và không dám đặt hàng với số lượng lớn. Nhưng chỉ một năm sau, Handler đã cung cấp hàng trực tiếp cho các cửa hàng đồ chơi lớn mà không cần qua mạng lưới trung gian. Các bé gái không thể rời mắt khỏi các con búp bê Barbie trên các quầy hàng. Công ty Mattel phải vất vả để hoàn thành hợp đồng giao hàng cho khách: trong vòng 10 năm đầu tiên, chỉ riêng búp bê Barbie đã bán được hơn ½ triệu USD. Nói đúng hơn là búp bê cùng với quần áo và các phục sức khác kèm theo. Bởi vì ngay từ đầu Barbie đã được làm ra dưới hình ảnh một ma-nơ-canh, luôn thay đổi áo quần liên tục.

Con ngựa Troy tóc vàng 
Để các bé gái đỡ gặp rắc rối với việc cắt may quần áo cho búp bê, Ruth Handler đã tuyển nhà tạo mẫu chuyên nghiệp Sharlott Jonhson- thời gian đầu, chính bà đã đích thân thiết kế quần áo cho Barbie.

Búp bê luôn được bán trong những chiếc hộp đẹp đẽ với dòng chữ “Bộ quần áo đầu tiên của Barbie” (Basic Barbie Doll Fashion Set). Đây là “chiêu” tiếp thị rất tài tình của Ruth. Búp bê giống như “con ngựa thành Troy ” được đưa thẳng vào giữa nhóm khách hàng tiềm năng- các bậc phụ huynh: thế nào họ cũng sẽ mua cho cô con gái đang khóc một con búp bê Barbie với bộ quần áo đi kèm. Mà những khách hàng như thế thì không bao giờ hết.

Việc lựa chọn hình ảnh búp bê cũng là một bí quyết nữa của công ty. Đuôi tóc màu hung vểnh lên theo kiểu Brigit Bardot, mái tóc trước trán bắt chước Audrey Hepburn trong bộ phim ăn khách thời đó là “Kỳ nghỉ ở Roma”, bộ đồ tắm sọc may bằng vải Jersey…Barbie mang trên mình tất cả những gì một thiếu nữ Mỹ mong muốn, học theo các ngôi sao màn bạc và mong muốn gây ấn tượng đối với phái mạnh: lông mày cánh cung, môi mọng, da trắng và mịn như sứ, eo nhỏ, chân dài.

Barbie sành điệu
Để giữ vững hình ảnh ngôi sao của Barbie, cả công ty đã phải đổ ra không ít sức lực. Những bộ quần áo và trang sức đầu tiên do Sharlott Jonhson tạo ra được in trong những tập quảng cáo phát miễn phí trong các siêu thị. Nhưng sau đó, lãnh đạo công ty quyết định “mọi thứ của búp bê Barbie phải được làm y như của con người”. Thế là Barbie bắt đầu diện những bộ cánh “hàng hiệu” do chính các nhà mốt Dior, Versace, Gucci, Givenchy thiết kế. Sau đó ít lâu, chính các hãng này lại tỏ ra say mê việc làm đẹp cho búp bê, và người ta khoác cho Barbie những thứ quần áo và đồ trang sức mà các bé gái và cha mẹ chúng thậm chí không dám mơ ước.

Công ty Mattel luôn luôn cố gắng để quảng bá hình ảnh búp bê của mình. Năm 1964, công ty tung ra bộ Barbie đến trường; năm 1975, Barbie luyện tập thể thao; còn năm 1984, búp bê này đã trở thành nhà vô địch Los Angeles về bơi lội (Không biết liệu có ai nghi ngờ về điều này chăng?)

Trong vòng 45 năm, búp bê này đã mặc các loại trang phục từ váy xòe của diễn viên ba lê đến áo blu của nhân viên y tế hay những bộ đồ bảo hộ lao động của công nhân. Người ta đếm được búp bê tích cực với các hoạt động xã hội này đã kịp làm hơn 80 nghề khác nhau.

Sự bành trướng của công ty Mattel ra thị trường thế giới làm bổ sung thêm vào tủ quần áo của Barbie bộ kimono Nhật bản, bộ sary Ấn độ, mũ lông của cư dân vùng cực bắc…tổng cộng là 49 bộ trang phục truyền thống của các dân tộc khác nhau trên thế giới. Thế nhưng dù mặc trang phục nào thì Barbie vẫn được coi là búp bê Mỹ, biểu tượng của “giấc mơ Mỹ”- tin tưởng vào tương lai sẽ luôn tươi đẹp.

Không chỉ là đồ chơi
Búp bê Barbie thường được so sánh với bánh big mac, và điều này hoàn toàn có cơ sở. Cả hai biểu tượng này đều trở thành một thứ nhiệt kế đo tình trạng nền kinh tế Mỹ. Ai cũng biết rằng McDonald’s đã phải cố gắng kìm giữ giá bán big mac trong suốt một thời gian dài. Mattel cũng nỗ lực hết sức để giữ giá Barbie – những búp bê đầu tiên được bán với giá chỉ 3 USD. Lạm phát đã đưa giá búp bê lên đến 9,99USD, còn năm 1988, một trong những con búp bê Barbie đầu tiên của Mattel đã được bán với giá 26,5 ngàn USD.

Ruth Handler mất năm 2002 vì bệnh ung thư ở tuổi 85 và đã được dựng tượng trước cổng vào của tòa nhà chính công ty- nhờ Barbie mà từ một công ty sản xuất đồ chơi nhỏ bé, Mattel đã lọt vào danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới chỉ sau 5 năm. Trước khi rời khỏi công ty vào giữa những năm 1970, Ruth Handler giữ chức vụ chủ tịch và tổng giám đốc. Bà được coi là biểu tượng của người phụ nữ năng động đối với cả một thế hệ trẻ tại Mỹ. Còn hoạt động kinh doanh của Mattel ngày càng được mở rộng sang các lĩnh vực khác như mua rạp xiếc, công viên giải trí, nhà xuất bản và cả một số rạp chiếu phim… chỉ bằng tiền do một mình búp bê Barbie đem lại.

Hiện nay, mỗi ngày người ta bán được gần 1 triệu phiên bản Barbie. Chỉ trong vòng 45 năm, hơn 1 tỷ búp bê Barbie được bán ra, và có hàng trăm triệu bậc phụ huynh trên toàn cầu đang làm giàu thêm cho công ty Mattel khoảng 1,5 tỷ USD mỗi năm.

(Sưu tầm)

Bình luận về bài viết này